A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tóc em dài em cài thiên lý…

Tóc em dài em cài thiên lý

Miệng em cười anh để ý anh thương.

Mái tóc cũng đi vào thơ ca của nhiều dân tộc thiểu số như người Thái có câu thơ :

Hoa ban trắng nở thành cô gái Thái

Đám mây bay trong thau nước gội đầu.

Tóc em dài em cài thiên lý…

 

Câu thơ ấy đã đi vào tiềm thức của bao người Việt Nam tự bao giờ và mỗi dịp được chiêm ngưỡng một mái tóc dài, người ta lại trầm trồ, thán phục. Nhẹ nhàng, mong manh nhưng tóc vẫn mang trong mình những giá trị  lịch sử văn hóa của một đời người, một gia đình, một thế hệ, một đất nước. Gần 60 bức ảnh sẽ được giới thiệu với công chúng tại triển lãm Giảng Võ vào cuối tháng 7 tới sẽ là dịp để người xem thưởng ngoạn vẻ đẹp của mái tóc phụ nữ Việt Nam trong suốt 100 năm qua.

 

            Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về mái tóc của người Việt qua các thời kì lịch sử. Qua các bức tượng được tạc từ thời cổ cho thấy thời ấy người Việt ta chỉ để tóc dài. Điều này được khẳng định thêm khi vào thời Lê, khi Nho giáo thịnh hành, nhà vua cấm những người không phải là sư được cắt tóc. Điều ấy có nguồn gốc từ quan niệm của nhà nho rằng tóc là của cha mẹ, đất trời trao cho nên không được cắt tóc. Xem qua trên các bức tranh Đông Hồ chúng ta cũng thấy, hầu hết các nhân vật trong tranh đều để tóc dài, có búi hoặc cặp lên. Sở hữu một mái tóc dài và dày là một dấu hiệu của sự quyền quí. Điều này cũng được thể hiện trong mỹ cảm dân gian mà ngày nay vẫn còn thấy được qua ca dao tục ngữ:

Tóc em dài em cài thiên lý

Miệng em cười anh để ý anh thương.

Mái tóc cũng đi vào thơ ca của nhiều dân tộc thiểu số như người Thái có câu thơ :

Hoa ban trắng nở thành cô gái Thái

Đám mây bay trong thau nước gội đầu.

Đám trai tráng đầu thế kỷ cũng ngẩn ngơ vì mái tóc bỏ đuôi gà của cô gái đi trẩy hội chùa Hương trong bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp.

            Tóc luôn đồng hành cùng mỹ cảm của một dân tộc trong một thời kì lịch sử, chính vì vậy đến cuối thế kỷ 19, khi văn hóa Việt Nam có cú va đập khủng khiếp với văn hóa Phương Tây mà điển hình là văn hóa Pháp, mái tóc Việt cũng bắt đầu một giai đoạn mới, thăng trầm theo biến động của thời cuộc. Những bức ảnh trong triển lãm đã trở thành những ‘‘giáo cụ trực quan’’ để người xem có thể cảm nhận được những sự chuyển động này.

            Quan sát bức bưu thiếp được chụp vào đầu thế kỷ trước ta vẫn thấy nhiều phụ nữ để tóc dài hoặc vấn tóc rồi trùm khăn nhung hoặc điều với nhà quyền quí, chít khăn mỏ quạ với người dân thường và đội nón quai thao.

Những năm đầu thế kỷ 20, khi phong trào Duy Tân bùng nổ và sau đó là Đông Kinh Nghĩa Thục, thì nam giới được cổ vũ cắt tóc ngắn như một hành động đoạn tuyệt với cái cổ hủ, lạc hậu và người đi tiên phong trong việc cắt tóc ngắn không ai khác chính là vua Thành Thái. Còn phụ nữ thì đã xuất hiện nhiều người để tóc trần, không đội nón và để tóc rẽ ngôi. Theo nhà sử học Đào Hùng, phó tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay, vào thời đó, mái tóc đẹp là mái tóc được rẽ ngôi ở chính giữa đầu và cô nào rẽ ngôi lệch là phải có cá tính rất mạnh và thường bị dư luận chê bai.

            Sau đó, cùng với sự phát triển của xã hội, báo chí dành cho phụ nữ cũng như những bài viết cổ vũ cho lối sống mới xuất hiện ngày càng nhiều: tóc ngắn, tóc phi dê trở thành biểu tượng của sự tân tiến. Nhà sử học Dương Trung Quốc, kể lại câu chuyện về bà Trịnh Thị Ngọ con của ông vua thủy tinh Bắc Kì Trịnh Đình Kính. Bà là phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên cho chương trình dành cho lính Mỹ tại Đông Dương sau này và cả gia đình bà đã phải vất vả thế nào khi thuyết phục để bố mẹ bà đồng ý cho bà cắt tóc ngắn. Một bức ảnh thú vị khác chính là ảnh của bà Vi Kim Ngọc vợ của bộ trưởng giáo dục đầu tiên Nguyễn Văn Huyên và mẹ của giáo sư Nguyễn Văn Huy. Bà là con nhà quyền quý, con tổng tốc Vi Văn Định và vào lúc cưới giáo sư Nguyễn Văn Huyên bà vẫn để tóc dài và đặc biệt là có đội vành khăn mà  ta vẫn thấy gắn với hình ảnh Hoàng hậu Nam Phương.

Ta cũng có thể thấy mái tóc đã thay đổi thế nào  trong những năm chiến tranh. Cuộc trưng bày dừng lại ở những kiểu tóc phụ nữ Hà Nội những năm đầu giải phóng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã miệt mài nhiều tháng trời đến nhà những chứng nhân lịch sử để tìm trong album ảnh gia đình của họ rồi lựa ra gần sáu mươi bức ảnh để giới thiệu lần này. Người xem sẽ được chiêm ngưỡng các bức ảnh nói trên trong khuôn khổ Davines Show 2010 – một chương trình trình diễn tóc dành cho các nhà thiết kế chuyên nghiệp được tổ chức vào ngày 31 tháng 7 năm nay lại trung tâm triển lãm Giảng Võ. Đây là lần thứ 5 nhãn hiệu Davines tổ chức những sân chơi chuyên nghiệp như thế này cho các nhà tạo mẫu và công chúng yêu thời trang tóc. Sự bùng nổ về số lượng của các nhà tạo mẫu tóc trong những năm gần đây cho thấy nhu cầu ngày càng cao của công chúng trong lĩnh vực làm đẹp và khẳng định cá tính. Lịch sử của mái tóc phụ nữ Việt Nam lại tiếp tục được các nhà tạo mẫu tóc trẻ của Việt Nam viết tiếp. Thời gian trôi đi và lớp phù sa nó để lại chính là những bức ảnh về quá khứ làm phong phú hiện tại và tạo nên nền tảng vững chắc cho tương lai.

 

Hà Nội 08 tháng 7 năm 2010

Nguyễn Đình Thành

 


Tags: 1141
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan